Mô tả đặc điểm thực vật
Bình bát ( tên gọi khác là Annona reticulata L) thuộc họ Na (Annonaceae), là loại cây thân gỗ, có chiều cao khoảng 2–5m, một số cây có thể đạt đến chiều cao tới 10m. .
Lá cây đơn lẻ, mọc so le với nhau, đầu lá nhọn, góc lá bo tròn. Chiều dài của lá giao động từ 10–15cm và rộng khoảng 5–7cm. Mặt trên của lá màu xanh đậm nhẵn bóng, mặt dưới của lá có màu xanh nhạt phủ một lớp lông mịn, cuống lá có lông dài khoảng 1–2cm.
Hoa mọc thành cụm từ kẽ lá, hoa gồm khoảng 2–4 hoa màu vàng. Cánh hoa hẹp, 3 cánh ngoài to, dày, có lông tơ. 3 cánh trong nhỏ nhắn.
Quả của cây Bình bát có hình như quả tim. Chúng thường được thu hoạch vào khoảng tháng 7-8. Quả non có màu xanh, khi chín quả chuyển sang màu vàng. Bên trong quả có cấu tạo múi tương tự với quả Na. Thịt quả có màu trắng hoặc ngả vàng nhẹ. Khi ăn có mùi thơm, vị chua nhẹ, ngọt và có vị chát nhẹ.
Cây sẽ ra hoa vào tháng 5–6, cho quả vào khoảng tháng 7 – 8.
Phân bố cây Bình bát
Cây Bình bát có nguồn gốc từ châu Mỹ và các bán đảo xung quanh. Do sự du nhập mà loài cây này được phân bổ đi nhiều nước trên thế giới như Ấn Độ, châu Phi, châu Úc, Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam.
Tại Việt Nam, loài cây này mọc hoang và được trồng ở vùng đất có nhiều phèn dọc ven biển từ Nam ra Bắc. Đây là loài thực vật háo nước cho nên chúng thường phát triển mạnh ở ven bờ sông, ao, hồ, kênh, mương và ven biển ở vùng đất bị nhiễm phèn.
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến của Bình bát
Đây là loại cây có thể sử dụng được từ rễ đến ngọn đều được dùng để làm thuốc.
Trong đó lá là bộ phận có thể thu hái quanh năm. Thân và rễ cây chỉ được thu hái khi cây trưởng thành. Quả cây Bình bát sẽ được thu hái vào tầm tháng 7 – 8. Còn hạt sẽ được lấy khi quả thật chín muồi, bỏ hết phần thịt quả và chỉ lấy phần hạt bên trong để dùng.
Sau khi thu hái, các nguyên liệu này đều phải được rửa sạch bằng nước và đem phơi nắng hoặc sấy khô, một số bộ phận có thể sử dụng ở dạng tươi.
Nguyên liệu sau khi được phơi khô cần được bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm mốc, đặc biệt là tránh các loại côn trùng làm hư hại đến nguyên liệu.
Thành phần hóa học Bình bát
-
Trong lá Bình bát chứa
4 hợp chất diterpenoid (axit 17-acetoxy-16β-hydroxy-entkauran-19-oic, ,axit kaurenoic, axit 16α-hydro-ent-kauran-17,19-dioic), 3 hợp chất triterpenoid (taraxasterol, taraxerol, uvaol), 2 hợp chất sterol (β-sitosterol, 6β-hydroxy stigmast-4-en-3-one, 2 hợp chất flavonoid ( rutin, (2S)-di-O-methyl liquiritigenin), 1 hợp chất triterpenoid mới (annona retin A).
-
Vỏ thân và rễ Bình bát chứa
Roliniastatin – 2, Reticulacinon, các Diterpene, Hydroxynomuciferin, Methoxy Annomontin, Anonain, Oxo Shin Sunin, Michelalbin, Reticulin, Asimilobine.
-
Hạt và trái của Bình bát chứa
3 hợp chất dẫn xuất của benzen (eleutheroside B, axit vanilic, sinapaldehyde glucoside), 2 hợp chất acetogenin (cis-reticulata in-10-one, uvaria grandin A), 2 hợp chất sterol (β-sitosteryl-3-O-β-D glucopyranoside và β-sitosterol, 2 hợp chất triterpenoid (pedunculosus và axit rotundic), 1 hợp chất amin béo (N- (Triacontanol)tryptamine).
Tác dụng dược lý của trái Bình bát
Một số tác dụng dược lý của trái Bình bát mà bạn chưa biết?
- Gây độc các tế bào: trái Bình bát thường được sử dụng lên bệnh nhân ung thư như cơ chế gây độc lên tế bào ung thư phổi, ung thư vòm họng, ung thư dạ dày, ung thư kết tràng, ung thư mũi hầu ở người và ung thư bạch cầu dòng lympho ở chuột bạch.
- Giúp kháng nấm, kháng vi khuẩn: có thể hoạt động gây ức chế trực tiếp đến sự phát triển của nấm Staphylococcus aureus, Bacillus subtilis và Mycobacterium smegmatis
- Tiêu diệt côn trùng, ấu trùng: trong quả Bình bát xanh có chứa chất Sesquiterpene có khả năng tiêu diệt các loại ấu trùng và côn trùng nhỏ.
Công dụng của trái Bình bát
- Cây Bình bát có vị chát xịt, công dụng nổi bật được được ứng dụng nhiều nhất của Bình bát là sát trùng, sát khuẩn.
- Nước được sắc từ quả Bình bát xanh thái mỏng sấy khô có tác dụng chữa tiêu chảy, kiết lỵ, giun sán, sốt, nhiễm khuẩn hô hấp.
- Hạt và vỏ thân của Bình bát có thể chữa bệnh tiêu chảy, kiết lỵ. Nước được nấu từ hạt khi gội đầu có thể trừ chấy; ngâm quần áo trong nước này cũng có thể diệt vi khuẩn và trừ rận. Tro của hạt Bình bát trộn với dầu dừa, sữa chua bôi lên da có thể chữa ghẻ.
- Ngoài ra, vỏ rễ và rễ con cây Bình bát còn được sử dụng để chữa đau bụng, sốt, viêm lợi, đau răng.
Lưu ý khi dùng cây Bình bát chữa bệnh
Bình bát là một loại dược liệu, một vị thuốc dân gian, tuy nhiên trong cây chứa chất gây độc nên trong quá trình sử dụng bạn cần chú ý và cần cẩn thận. Không để nhựa cây bắn vào mắt. Nếu nhựa của cây bắn vào mắt bạn hãy đến ngay trung tâm y tế gần nhất hoặc liên hệ với bác sĩ để có hướng xử lý tốt nhất.
Bình bát tuy là một vị thuốc với nhiều lợi đối với sức khỏe nhưng bạn cũng cần dùng có liều lượng và đúng cách theo chỉ định của bác sĩ. Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về loại cây dược liệu này.