Rối loạn nhịp tim là khi tim bạn đập quá nhanh, quá chậm hay không đều do các xung điện điều phối nhịp tim hoạt động bất thường. Dưới đây là một số lời khuyên về cách điều trị rối loạn nhịp tim và rối loạn nhịp tim nên ăn gì.
Rối loạn nhịp tim
1. Điều trị rối loạn nhịp tim:
1.1. Các rối loạn nhịp nhanh:
Nhịp nhanh kịch phát trên thất
Nhịp nhanh kịch phát trên thất có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi
Nhịp nhanh kịch phát trên thất là dạng rối loạn tim đập nhanh thường gặp nhất và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Đường dẫn truyền phụ nhĩ-thất, vùng nút nhĩ thất hay ổ loạn nhịp trên nhĩ là những tác nhân gây nhịp nhanh.
Thường thì nhịp nhanh kịch phát trên thất không ảnh hưởng quá nhiều vì ít xuất hiện và tự hết trong vài tiếng. Tuy vậy, trong một số trường hợp khi nhịp nhanh kéo dài hơn và gây triệu chứng kèm theo đó là xuất hiện thường xuyên thì nên được điều trị chuyên khoa loạn nhịp tim. Phương pháp điều trị rối loạn nhịp tim phụ thuộc vào loại nhịp nhanh, tần suất xuất hiện, mức độ triệu chứng hay tình trạng sức khỏe người bệnh. Ngoài ra, ý muốn can thiệp và triệt phá loạn nhịp hay dùng thuốc để kiểm soát bệnh cũng ảnh hưởng tới phương pháp điều trị.
Cuồng nhĩ
Cuồng nhĩ gây co thắt đều và nhanh
Cuồng nhĩ bị gây ra do rối loạn nhịp tim nhanh ở tâm nhĩ. Tâm nhĩ co thắt đều và nhanh với tần số dao động từ 240-340 lần/phút trong cuồng nhĩ. Xung động khi dẫn truyền qua nút nhĩ thất được giảm bớt trước khi truyền xuống hai tâm thất ở dưới trong khi tâm nhĩ vẫn co thắt nhanh là đặc tính sinh lý của nút nhĩ thất nhằm giúp tâm thất ít bị ảnh hưởng bởi rối loạn nhịp ở tâm nhĩ.
Can thiệp khảo sát triệt phá các vòng vào lại ở tâm nhĩ hoặc dùng thuốc để kiểm soát không cho tần số thất đập quá nhanh là hai phương pháp phổ biến để điều trị cuồng nhĩ. Bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng lâm sàng của bệnh nhân để đưa ra phương hướng điều trị thích hợp.
Rung nhĩ
Rung nhĩ là một trong những rối loạn phức tạp nhất
Rung nhĩ là một trong những rối loạn phức tạp nhất ở tầng nhĩ của tim. Trong rung nhĩ, nhịp tim sẽ nhanh và hoàn toàn không đều do tâm nhĩ được kích hoạt không đồng bộ ở nhiều vùng khác nhau với những xung động không đều, rất nhanh và lan hỗn loạn trong tâm nhĩ.
Rung nhĩ thường không có triệu chứng rõ ràng mà chỉ xuất hiện từng cơn thoáng qua. Tuy nhiên khi bệnh bắt đầu tiến triển thì rung nhĩ sẽ xảy ra dai dẳng, liên tục và giảm chức năng tim theo thời gian.
Để giảm bớt cơn rung nhĩ và kiểm soát tần số thất đập bác sĩ cần cần đánh giá nguy cơ và điều trị kháng đông phòng trường hợp đột quỵ. Bởi lẽ rung nhĩ có khả năng tạo ra huyết khối trong tim và dẫn tới đột quỵ do huyết khối lấp mạch não.
Khi điều trị rung nhĩ bác sĩ sẽ cố gắng điều trị giúp kiểm soát nhịp tim hoặc kiểm soát tần số tim. Không có công thức chung cho việc điều trị rung nhĩ vì nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau cũng như tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.
Nhịp nhanh thất
Nhịp nhanh thất gây tổn hại sức khỏe
Nhịp nhanh thất là loạn nhịp nhanh xuất phát từ tâm thất và cần được lưu ý ngay từ lần đầu phát bệnh. Nhịp nhanh thất gây nhiều nguy cơ và tổn hại sức khỏe người bệnh hơn so với các nhịp nhanh kịch phát trên thất thông thường. Do đó khi phát hiện bệnh cần khám chuyên khoa ngay để có hướng điều trị phù hợp nhất.
Nhịp nhanh thất cần được theo dõi và điều trị một cách cẩn thận bởi các bác sĩ chuyên khoa, đặc biệt đối với những bệnh nhân có triệu chứng nặng và có nguy cơ tái phát. Việc quan trọng khi điều trị nhịp nhanh thất là tầm soát và điều chỉnh các nguyên nhân nền. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ có thể đề nghị điều trị bằng thuốc hoặc can thiệp triệt đốt.
Rung thất
Rung thất là loại loạn nhịp nguy hiểm nhất
Rung thất là loại loạn nhịp nguy hiểm nhất trong các rối loạn nhịp nhanh và đe dọa trực tiếp tới tính mạng của người bệnh nếu không được cấp cứu kịp thời.
Điều trị rung thất là một cấp cứu nội khoa và cần nhanh chóng tiến hành điều trị từ các nguyên nhân nền để giúp ổn định và ngưng tái phát rung thất. Để phòng ngừa đột tử thì việc duy nhất có thể làm là đặt máy phá rung tim. Đây là biện pháp giúp bảo vệ tính mạng người bệnh bằng cách cắt cơn rung thất.
1.2. Các rối loạn nhịp chậm:
Hội chứng suy nút xoang
Suy nút xoang sẽ khiến nhịp đập chậm dần
Nút xoang tạo ra nhịp tim bình thường và nếu có vấn đề gì xảy ra với nút xoang sẽ dẫn tới việc tạo nhịp của nó chậm dần. Bệnh lý thường diễn biến chậm và kéo dài suốt nhiều năm nên bệnh nhân có thể thích ứng với nhịp chậm.
Việc điều trị bệnh phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, giới hạn chịu đựng của bệnh nhân và khoảng ngưng xoang trên điện tâm đồ. Nếu trong trường hợp nhịp chậm nhiều, nút xoang đã xuy và bệnh nhân có các triệu chứng rõ rệt thì việc dùng thuốc không còn bất kỳ tác dụng gì. Phương pháp điều trị duy nhất trong trường hợp này là đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn để giữ nhịp và tránh đột tử.
Block dẫn truyền nhĩ thất
Đường truyền nhĩ thất hỏng dẫn tới tắc nghẽn
Thông thường xung động tạo ra từ nút xoang lan theo các đường dẫn truyền để truyền xung động từ tâm nhĩ tới tâm thất để tạo nhịp tim bình thường. Nhưng nếu đường dẫn truyền nhĩ thất bị hỏng ở các vị trí quan trọng sẽ dẫn tới tình trạng tắc nghẽn. Khi xung động không truyền được một cách nguyên vẹn xuống thất và thậm chí gây nghẽn hoàn toàn dẫn tới ngưng tim.
Ở thời điểm hiện tại, để điều trị block dẫn truyền nhĩ thất thì ưu tiên hàng đầu là tìm và điều trị các nguyên nhân nền. Nếu block nhĩ thất không do nguyên nhân có thể điều trị thì không thể dùng thuốc để điều trị và cải thiện bệnh. Nếu bệnh nhân bị nặng thì biện pháp cuối cùng là đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn.
2. Rối loạn nhịp tim nên ăn gì?
Ăn uống lành mạnh giúp hỗ trợ sức khỏe
Ăn uống khoa học cũng là một trong những cách giúp ổn định tình hình bệnh. Vậy bị rối loạn nhịp tim nên ăn gì là tốt nhất cho người bệnh?
- Thực phẩm giàu khoáng chất: Việc thiếu hụt các khoáng chất như Magie, natri, kali, canxi có thể dẫn tới rối loạn nhịp tim nên cần bổ sung các khoáng chất này thông qua các loại hạt, ngũ cốc, chuối, rau xanh,…
- Thực phẩm giàu axit béo Omega-3: Để giúp giảm tim đập nhanh bạn nên sử dụng các thực phẩm giàu omega-3 có nguồn gốc từ động vật như cá hồi, cá ngừ, cá thu,… hoặc các sản phẩm giàu omega-3 có nguồn gốc thực vật như hạt điều, hạt óc chó, súp lơ,…
- Chất xơ và vitamin: Nên ăn nhiều các loại rau củ và trái cây với màu sắc khác nhau như bông cải xanh, ớt chuông, cà rốt, kiwi, nho,…
- Bổ sung thêm các sản phẩm giàu beta caroten và vitamin C.
- Tập thói quen ăn nhạt.
Trên đây là cách điều trị rối loạn nhịp tim và lời khuyên cho rối loạn nhịp tim nên ăn gì. Mong bạn sẽ có một sức khỏe tốt!