Chườm nóng hay chườm lạnh khi sốt?

Nhiều trường hợp người bệnh bị sốt, người thân thường không biết nên chườm nóng hay chườm lạnh? chườm như thế nào? chườm trong bao lâu? Ngay cả một số nhân viên y tế, nhiều khi cũng chưa thống nhất trong cách xử trí sốt. Hy vọng bài viết này sẽ giải đáp thắc mắc cho các bạn.
Sốt là khi nhiệt độ cơ thể đo ở ngoại biên > 37,5oC cùng với tăng tế bào bạch cầu trong máu thì Sốt là một phản ứng của cơ thể khi có sự xâm nhập của vi sinh vật vào cơ thể gây bệnh hoặc là cơ thể tự sinh ra các tác nhân gây bệnh.
chuom-nong-hay-chuom-lanh
Sốt là một triệu chứng lâm sàng có giá trị giúp chẩn đoán bệnh. Tuy nhiên, khi sốt cao hoặc sốt liên tục cũng làm cho người bệnh mệt mỏi, rối loạn điện giải hoặc thậm chí là gây co giật ở trẻ nhỏ.
Khi bị sốt > 38,5 độ C, vượt qua ngưỡng chịu đựng của cơ thể, có thể gây ra một số cảm giác khó chịu như đau đầu, mệt mỏi, yếu cơ, buồn nôn… thì cần phải sử dụng thuốc hạ sốt. Thuốc hạ sốt thường sử dụng nhất là Paracetamol, hai là thuốc Ibuprofen ( liều và cách dùng nên theo hướng dẫn của thầy thuốc), có thể phối hợp 2 thuốc hạ sốt cùng lúc trong một số trường hợp đặc biệt. Dùng thuốc tốt nhất là đường uống, nếu không uống được hoặc uống vào nôn thì nên đặt thuốc vào hậu môn.
Theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ, sử dụng thuốc hạ sốt ở trẻ em sốt cao là cải thiện sự thoải mái của trẻ hơn là tập trung vào việc bình thường hóa nhiệt độ cơ thể. Tương tự, ở Anh, hướng dẫn lâm sàng của NICE về bệnh sốt ở trẻ em nói rằng các thuốc hạ sốt không nên được sử dụng thường xuyên với mục đích duy nhất là giảm nhiệt độ cơ thể ở trẻ bị sốt. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy rằng hạ sốt tích cực đơn thuần không giúp làm giảm tỷ lệ tử vong và tỷ lệ trẻ co giật. Do đó không nên quá lo lắng dẫn đến dùng quá nhiều thuốc hạ sốt khi trẻ không có các biểu hiện khó chịu, điều này có thể dẫn đến ngộ độc thuốc hạ sốt, suy gan, suy thận.
Khi sốt < 38,5 độ C hoặc giữa các lần dùng thuốc mà trẻ vẫn sốt thì phải dùng các phương pháp hạ sốt không dùng thuốc.
Phương pháp hạ sốt không dùng thuốc là cởi bỏ bớt quần áo, nằm phòng thoáng mát, có thể bật quạt và máy lạnh (27-30 độ), cho người bệnh uống nhiều nước, tránh mặc nhiều quần áo, đắp nhiều chăn làm cơ thể khó thoát nhiệt. Đặc biệt để giúp hạ sốt nhanh, hiệu quả là phương pháp chườm, nhưng chườm nóng hay chườm lạnh?
Nguyên lý thứ nhất của chườm là truyền nhiệt. Khi chườm, lợi dụng sự chênh lệch nhiệt độ giữa khăn chườm và cơ thể, nhiệt độ cơ thể sẽ được khăn hấp thu ( làm khăn nóng lên), bằng cách trở mặt khăn và thấp nước liên tục, kiên trì, chúng ta sẽ hạ sốt được nhanh chóng. Như vậy muốn chườm mát có hiệu quả thì khăn chườm phải có nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ cơ thể. Có nhiều người lúc chườm thường pha nước sôi, sờ thấy nóng tay (chườm nóng), như vậy hiệu quả của chườm sẽ không có. Để tăng hiệu quả chườm mát thì nên chườm ở nhiều vị trí như trán, cổ, nách, bẹn…những vùng có nhiều mạch máu càng hiệu quả.
Nguyên lý thứ 2 của chườm là bốc hơi, nước ở chỗ chườm sẽ bị nhiệt độ cao của cơ thể làm bốc hơi, nước bốc hơi sẽ làm nhiệt độ cơ thể giảm xuống giúp hạ sốt. Do đó kết hợp với chườm mát là lau mát cơ thể sẽ làm hạ sốt nhanh hơn. Một số người lại muốn hạ sốt nhanh nên chườm đá (chườm lạnh), điều này lại gây ra phản ứng có hại. Do chênh lệch nhiệt độ quá lớn lúc chườm đá có thể làm cho da bị bỏng lạnh, làm trẻ khó chịu, các mạch máu co lại làm hạn chế sự thải nhiệt, ngoài ra chườm lạnh quá còn ức chế phó giao cảm, kích hoạt giao cảm làm người bệnh run rẩy, tăng chuyển hóa có thể làm sốt tăng thêm.
Tóm lại, lúc sốt chúng ta không nên chườm nóng cũng không nên chườm lạnh, cách tốt nhất là chườm mát, tùy vào tình trạng sốt cao hay sốt vừa, nhiệt độ môi trường là bao nhiêu mà chọn nước chườm có nhiệt độ thích hợp, về mùa hè thì ta có thể lấy nước bình thường để chườm, về mùa đông, nếu thời tiết lạnh thì ta có thể chườm bằng nước ấm khoảng 29-32 độ C (có thể dùng nhiệt kế để biết nhiệt độ nước chườm). Đặc biệt khi trẻ sốt quá 3 ngày hoặc sốt cao liên tục, sốt kèm li bì, nôn mửa, đau đầu nhiều, co giật, thở nhanh hoặc có dấu hiệu nguy hiểm khác thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nguồn: Dr Huyền Vũ